(ĐTCK) Để thuận tiện hơn cho khách hàng và các công ty bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm đang đề nghị Bộ Tài chính xây dựng những cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp triển khai bán bảo hiểm thông qua giao dịch điện tử.
Cụ thể, trước mắt, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cho phép áp dụng hình thức cấp giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới theo hình thức thương mại điện tử, thay vì cấp giấy chứng nhận truyền thống.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia lâu năm trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, đề nghị này rất thiết thực và nên được triển khai sớm.
Theo đó, việc cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ áp dụng hình thức cấp giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới điện tử sẽ tiết giảm được nhiều thời gian, công sức, cũng như tiền bạc của các doanh nghiệp.
“Phí bảo hiểm của sản phẩm này rất thấp và chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới cũng chỉ được cấp một lần nên nếu khách hàng hay công ty bảo hiểm gửi đi có thất lạc sẽ phải mất rất nhiều thời gian, thủ tục để báo hủy và cấp lại. Chứng nhận điện tử sẽ khắc phục những yếu điểm này”, vị chuyên gia chia sẻ.
Cùng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, nếu quy định này sớm được thực hiện, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bớt “đau đầu” về vấn nạn mất ấn chỉ và ấn chỉ giả.
Thực tế, việc quản lý ấn chỉ giấy là rất khó khăn, đặc biệt với các công ty bảo hiểm có hệ thống đại lý và cộng tác viên lớn.
Một số công ty bảo hiểm đã từng bị vạ lây vì đại lý bảo hiểm thông báo mất một vài cuốn ấn chỉ, nhưng thực tế là bán sản phẩm tai nạn dân sự bắt buộc cho khách hàng lấy tiền bỏ túi riêng.
Công ty bảo hiểm công bố những cuốn ấn chỉ đó đã mất nên không có giá trị sử dụng, nhưng khách hàng không biết nên vẫn mua, cuối cùng phải chịu thiệt khi có sự kiện bồi thường xảy ra.
Trước đó, cách đây vài năm, trong cuộc họp với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, Hiệp hội Bảo hiểm cũng đã khuyến cáo các doanh nghiệp bảo hiểm cần nghiên cứu triển khai ấn chỉ điện tử, có thể thông qua Internet hoặc điện thoại di động nhằm giúp khâu quản lý trở nên chặt chẽ hơn.
Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà đến nay, chỉ số ít công ty bảo hiểm như Liberty, PTI hay BIC đã thực hiện việc cấp ấn chỉ điện tử cho các sản phẩm bán qua kênh trực tuyến.
Tại sao một thay đổi thiết thực với cả doanh nghiệp và khách hàng đã được nêu ra vài năm qua nhưng vẫn chưa được thực hiện đồng bộ? Nguyên nhân xuất phát từ hệ thống công nghệ thiếu sự đầu tư hay lý do nào khác?
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia trong ngành cho rằng, việc triển khai ấn chỉ điện tử thực ra không quá tốn kém và phức tạp. Các doanh nghiệp chỉ cần nâng cấp trang web và mua thêm một vài phần mềm ứng dụng…
Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ gặp những khó khăn nhất định khi bán hàng tại khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biêt với ấn chỉ xe máy khi người dân còn chưa hiểu biết đầy đủ.
Về phía người dân, do yếu tố tâm lý nên có thể thời gian đầu chưa tin tưởng vào cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm khi chưa có ấn chỉ bảo hiểm vật lý.
“Chậm nhất năm 2020 phải áp dụng ấn chỉ điện tử, vì các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay đã cấp ấn chỉ tự nguyện qua web và cấp ấn chỉ điện tử một số sản phẩm. Như vậy, vấn đề là ý chí chủ quan của nhà quản lý”, đại diện một doanh nghiệp bày tỏ.
Để thực hiện đồng bộ việc cấp ấn chỉ điện tử cho sản phẩm này, một số ý kiến cho rằng, nên áp dụng có lộ trình.
Trước mắt vẫn sử dụng song song cả giấy chứng nhận điện tử và giấy chứng nhận truyền thống để cả doanh nghiệp và khách hàng có thời gian làm quen.
Sau đó, chính thức bỏ chứng nhận giấy, chỉ áp dụng chứng nhận điện tử cho bảo hiểm xe cơ giới. Từ đó nghiên cứu áp dụng chứng nhận điện từ đối với các sản phẩm bảo hiểm đơn giản khác.
Gia Linh