(BĐT) - Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới với nội dung đáng chú ý là đề xuất tăng mức đóng góp tối đa của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) lên 2% doanh thu phí bảo hiểm gốc thực tế thu được.
Nhiều điểm hạn chế về chính sách và thực thi
Cơ sở pháp lý hiện hành của bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới là Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, Nghị định số 214/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP. Theo ban soạn thảo, sau 10 năm thực hiện, 2 nghị định này đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế về cơ chế chính sách và quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật nền làm căn cứ ban hành hai nghị định này đã được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung như Luật Tổ chức Chính phủ, Bộ luật Dân sự, Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật liên quan bao gồm pháp luật kinh doanh bảo hiểm, pháp luật về giao thông đường bộ... cũng đã có nhiều sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện trong thời gian qua. Thực tế này dẫn đến một số nội dung của chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới không còn phù hợp và chưa đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, một số nội dung chưa được quy định rõ dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các DNBH, giữa DNBH và chủ xe và giữa các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan như phạm vi bồi thường thiệt hại (tai nạn giao thông hay mọi tai nạn do xe cơ giới gây ra); trường hợp loại trừ bảo hiểm khi lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện TNDS của chủ xe, lái xe; các khái niệm liên quan đến lái xe, người được bảo hiểm có thể gây khó khăn, phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện bồi thường bảo hiểm...
Về tổ chức và triển khai thực hiện, điểm đáng chú ý là hành vi gian lận bảo hiểm diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, dưới nhiều hình thức và diễn ra tại hầu hết các khâu của chuỗi giá trị trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Một số trường hợp còn có sự tiếp tay của nhân viên của DNBH, đại lý bảo hiểm nên công tác phòng, chống và xác minh hành vi gian lận bảo hiểm ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, kết quả hoạt động của Quỹ xe cơ giới vẫn còn nhiều hạn chế liên quan đến công tác hỗ trợ nhân đạo. Hạng mục chi hỗ trợ nhân đạo lớn, chiếm 12% kinh phí đóng Quỹ hàng năm, tuy nhiên, số lượng các gia đình được hỗ trợ rất ít, trung bình mỗi năm chỉ giải quyết được 5 trường hợp hỗ trợ, đặc biệt năm 2012, Quỹ xe cơ giới không chi được trường hợp nào.
Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ chấp thuận việc xây dựng Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, Nghị định số 214/2013/NĐ-CP.
Tăng mức đóng góp và mức chi
Tại Dự thảo Nghị định thay thế này, ban soạn thảo đề xuất tăng mức đóng góp của DNBH và tăng mức chi hàng năm.
Theo đó, về mức đóng góp, quy định cụ thể mức đóng góp tối đa của DNBH là 2% doanh thu phí bảo hiểm gốc thực tế thu được. Hàng năm căn cứ tình hình tài chính, kế hoạch sử dụng, Quỹ xe cơ giới thông báo mức thu cụ thể cho các DNBH.
Về nội dung chi và mức chi hàng năm, sửa đổi quy định hiện hành theo hướng tập trung hơn vào nội dung chi bồi thường nhân đạo cho các trường hợp tử vong do tai nạn do xe cơ giới gây ra với mức chi vào khoảng 20% mức bồi thường tối đa thiệt hại về người theo quy định và chi cho tuyên truyền, giáo dục; điều chỉnh tỷ lệ các nội dung chi cho phù hợp với định hướng sử dụng Quỹ xe cơ giới trong thời gian tới.
Đề xuất này cao hơn quy định hiện hành. Theo đó, Mức đóng góp của DNBH là 1% doanh thu phí bảo hiểm gốc thực tế thu được. Về nội dung chi và mức chi hàng năm, theo quy định hiện hành, chi hỗ trợ nhân đạo có mức chi không vượt quá 15% tổng số tiền đóng vào Quỹ hàng năm.
>> Cùng tham khảo thêm giá bảo hiểm dân xe máy của BHHK !
Khoảng 110,3 triệu lượt xe tham gia
Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có 27 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) triển khai bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự (TNDS) của chủ xe cơ giới.Trong giai đoạn 10 năm (2008-2017), lượng xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới khoảng 110,3 triệu lượt xe các loại. Các DNBH đã giải quyết được 593.658 vụ tai nạn giao thông, trong đó có 70.421 trường hợp tử vong. Tổng số tiền bồi thường giai đoạn 2008 - 2017 khoảng 5.300 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới trong giai đoạn này đạt khoảng 18.110 tỷ đồng.
Hoàng Oanh