Phát huy vai trò của nữ doanh nhân thời hội nhập

17-10-2017

TTTĐ.VN - Đối với các nam doanh nhân, kinh doanh đã là một công việc khó thì đối với phụ nữ, làm kinh doanh còn khó khăn hơn gấp nhiều lần bởi họ phải chu toàn công việc tại công ty và công việc gia đình.

 


Nữ doanh nhân là một trong những đội ngũ đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, các nữ doanh nhân của Việt Nam không chỉ thể hiện vai trò là người phụ nữ trong gia đình mà còn khẳng định vị thế của những người chiến sĩ quả cảm trên thương trường đầy thử thách.

 


Rất nhiều nữ doanh nhân đã phát huy tài năng, trí tuệ, đóng góp cho sự phát triển bền vững khi mang các sản phẩm có chất lượng cao của Việt Nam vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

 

Những năm gần đây, đội ngũ nữ doanh nhân tại Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về số lượng. Nếu năm 2010, có 85.000 phụ nữ là lãnh đạo doanh nghiệp thì đến năm 2015 đã tăng lên 91.000 người. Trong đó, các công tác điều hành, quản lí trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và các tiểu ngành chiếm 60%, lĩnh vực quản lí dịch vụ chiếm 40%. Một trong những mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 là tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt ít nhất 35% vào năm 2020. Các nữ doanh nhân, bên cạnh việc làm tốt thiên chức của mình đã có nhiều đóng góp cho xã hội. Nhiều nữ doanh nhân không chỉ thành công trong sự nghiệp mà còn nuôi con giỏi, dạy con ngoan, gia đình hạnh phúc, có uy tín cao trong xã hội, nơi cư trú, trong dòng họ...


 

Có thể khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam nói riêng đã và đang khẳng định bản lĩnh, tài năng và sự bền bỉ trong sự nghiệp kinh doanh của mình.


 

Bước vào sân chơi lớn toàn cầu cũng đồng nghĩa với việc cộng đồng doanh nhân Việt Nam nói chung và cộng đồng nữ doanh nhân Việt Nam nói riêng đang ở trong giai đoạn mới, cần một bước phát triển mới và một tư duy mới. Đối với các nữ doanh nhân, việc thay đổi tư duy lãnh đạo, đổi mới và sáng tạo để phù hợp với giai đoạn phát triển mới, hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững là một yêu cầu thiết yếu hiện nay.
 

Bà Lê Thị Hà Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không

 

Bà Lê Thị Hà Thanh hiện là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không, kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, là lãnh đạo của một đơn vị có số lượng cán bộ, công nhân viên lên tới hàng trăm người, trải dài trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Dù gặp không ít khó khăn trong việc kinh doanh nhưng nhờ sự cần mẫn, tỉ mỉ và nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bạn bè, đồng nghiệp và toàn thể cán bộ, công nhân viên nên cho đến nay, bà Thanh vẫn luôn chu toàn công việc của mình. Trong năm 2016, Bảo hiểm Hàng không đã mở thêm 11 đơn vị trên cả nước, và đang tiếp tục mở rộng ra các tỉnh thành khác. Xác định rõ trách nhiệm của một người đứng đầu doanh nghiệp nên bà Thanh luôn sẵn sàng đón nhận và vượt qua khó khăn bằng việc thay đổi tư duy lãnh đạo, đổi mới và sáng tạo để phù hợp với các giai đoạn phát triển, hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững.


 

Theo bà Thanh, trong thời gian qua, Việt Nam đã kí kết nhiều hiệp định kinh tế song phương và đa phương, mở ra cơ hội rất lớn đối với nền kinh tế nói chung. Đây là thời điểm các doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển xa hơn nhằm nâng cao năng lực tài chính, khả năng hạch toán, phát triển mạng lưới, nâng cao năng lực hoạt động, quản trị rủi ro...


 

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova được biết đến là nữ doanh nhân có trí tuệ và có phương thức kinh doanh táo bạo mà ngay cả nam doanh nhân cũng khó thực hiện. PGS.TS Nguyễn Thị Hòe từng là giảng viên ĐH Bách khoa TP HCM. Bà từng nhận Giải thưởng Kovalevskaya - giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ, có mặt trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử giải thưởng Nobel Hòa bình.


 

Bà tự nhận mình là “nhà khoa học làm kinh doanh” và đã là nhà khoa học thì không nói suông.


 

Trong hơn hai chục năm phát triển Kova, bà Hòe từng nhiều lần “làm liều”, một trong những cái “liều” lớn nhất là đánh chiếm thị trường Singapore – thị trường kỹ tính nhất khu vực Đông Nam Á. Hầu như ai cũng biết Singapore là quốc gia sạch bậc nhất thế giới và rất kỹ tính với chất lượng hàng hóa, việc thâm nhập vào thị trường này vô cùng phức tạp.


 

“Tôi đưa sơn sang Singapore là một sự liều lĩnh. Bởi khi sang Singapore, họ bảo Việt Nam chỉ có hạt điều, cà phê, tre, nứa… chứ không thể đưa khoa học sang đấy. Năm đầu tiên, họ không coi tôi ra gì. Tôi không biết buôn bán, không biết nói khéo để họ mua. Sang Singapore, tôi không biết nói thế nào, đành bảo khách hàng cứ mua dùng, 2 năm sau thấy tốt tôi mới lấy tiền, không không tốt thì thôi. Đấy là cái sự liều. Nhưng chỉ sau 1 năm, họ mang tiền đến trả. Tôi chưa bị quỵt xu nào. Thực ra nếu họ quỵt, tôi cũng không làm được gì, vì đã tuyên bố trước như vậy rồi. Nhưng ở bên ấy, họ rất trọng danh dự”, bà Hòe trải lòng.


 

11 năm ở Singapore, thị trường thấy sản phẩm tốt đã tin dùng. Họ nhìn PGS.TS Nguyễn Thị Hòe không phải người buôn bán mà dưới góc độ là nhà khoa học. Nhà khoa học thì phải chứng minh bằng chất lượng sản phẩm. Khi được nhìn nhận như một nhà khoa học, bà Hòe được mời đến thuyết trình tại một số công trình, trong đó có VivoCity.


 

VivoCity - một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Singapore, đang được phủ sơn Việt Nam. Sau dấu ấn với VivoCity, Kova được nhận thầu nhiều công trình lớn khác như bệnh viện Ng Teng Fong có tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD. Hiện Kova đã có 9 nhà máy và 12 công ty thành viên ở 7 nước: Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia, Mỹ và Nga. Riêng với Singapore và Malaysia, có thể nói Kova là mạnh nhất.


 

Các doanh nhân nữ của Việt Nam có lợi thế đặc biệt trong xu thế của nền kinh tế mới không chỉ ở tính sáng tạo, đổi mới mà còn là sự tinh tế, nhân ái và là những người dẫn đầu trong trào lưu kinh doanh, bảo đảm trách nhiệm xã hội. Họ đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong con mắt bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, dường như các nữ doanh nhân Việt Nam vẫn còn khá e dè khi chưa dám mạnh dạn vươn ra tiếp cận rộng rãi với thị trường quốc tế.


 

Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay cứ 4 doanh nghiệp đang hoạt động thì có 1 doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ. Hàng năm, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đã đóng góp không nhỏ vào GDP của đất nước. Với những phẩm chất vốn có của mình, những người phụ nữ Việt Nam nói chung và các nữ doanh nhân nói riêng đã phát huy được vai trò của mình trong thời kì hội nhập. Một điều chắc chắn, họ sẽ vượt qua được thách thức, khó khăn, tiếp tục phát huy lợi thế, tài năng và khả năng sáng tạo của mình trong lĩnh vực kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới...
 

(còn nữa)

 

Khánh Vy - TTTĐ.VN