(ĐTCK) Nghị định 100/2019/NĐ-CP trong đó có quy định tăng mức phạt đối với vi phạm không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, cùng các quy định xử phạt khác giúp kéo giảm tỷ lệ các vụ tổn thất xe cơ giới - mảng kinh doanh xương sống của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
Theo thống kê sơ bộ của một số doanh nghiệp, tỷ lệ tổn thất về tai nạn xe cơ giới đã giảm rõ rệt kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực (xử phạt rất nặng với hành vi uống rượu bia khi lái xe, quy định về xử phạt rất rộng với hàng loạt hành vi vi phạm trong giao thông, từ vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, xe chở rơi vật liệu ra đường, không đeo dây an toàn…), đặc biệt là trong dịp Tết Canh Tý vừa qua.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông đã giảm 18,2% so với Tết Kỷ Hợi 2019, riêng ngày mùng 4 Tết giảm 23,5%.
Số liệu cập nhật nhanh của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho thấy, các vụ tổn thất liên quan đến bảo hiểm xe cơ giới tại hãng bảo hiểm này giảm hơn 30% so với đợt nghỉ Tết năm ngoái.
Theo quy định của luật kinh doanh bảo hiểm, đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, dù người điều khiển phương tiện có vi phạm nồng độ cồn thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường với những tổn thất về người và tài sản cho bên thứ 3 nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Bởi vậy, việc số lượng tổn thất giảm mạnh được xem là “món quà” bất ngờ cho doanh nghiệp bảo hiểm vì giúp giảm tỷ lệ bồi thường.
Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, hàng năm, dịp nghỉ Tết luôn là thời điểm căng thẳng của công ty do số vụ tổn thất tăng cao hơn so với thông thường. Giám định viên phải căng mình làm liên tục để đảm bảo tốc độ giải quyết bồi thường.
Tuy nhiên, năm nay tình hình nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi mỗi giám định viên chỉ phải giải quyết 1 vụ/ngày, thay vì trung bình 2-3 vụ/ngày như trước đây.
Nghị định 100 cũng góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ bồi thường đối với các sản phẩm bảo hiểm vật chất xe.
Theo quy định của luật trước đây, nếu người điều khiển phương tiện xe cơ giới có vi phạm nồng độ cồn thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể từ chối bồi thường.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho hay, việc chứng mình lái xe có nồng độ cồn là không dễ dàng bởi phụ thuộc vào kết luận của các cơ quan chức năng liên quan.
“Thực tế, doanh nghiệp chỉ từ chối được khoảng 10% số vụ bồi thường liên quan đến bia rượu. Nghị định 100 ra đời với hình thức xử phạt rất nghiêm đối với vi phạm về nồng độ cồn khiến các lái xe nghiêm túc thực hiện, chứ không mang hình thức chống đối như trước đây", đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho hay.
Cùng với bảo hiểm con người, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới luôn là mảng lại doanh thu cao cho các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng đây cũng là nghiệp vụ có tỷ lệ tổn thất rất lớn, nên việc tăng doanh thu và kiểrm soát tỷ lệ tổn thất từ nghiệp vụ này luôn là bài toán khó.
Hiện tại, hầu hết công ty bảo hiểm có doanh thu cao từ bảo hiểm cơ giới đều đang có tỷ lệ bồi thường không nhỏ từ nghiệp vụ này.
Chính vì thế, các quy định nghiêm ngặt về xử phạt hành chính tại Nghị định 100 không chỉ mang lại cơ hội về doanh thu, mà còn giúp các doanh nghiệp bảo hiểm có thể kéo giảm tỷ lệ bồi thường từ mảng kinh doanh xương sống này.
Theo vị đại diện trên, việc kiểm soát tốt tỷ lệ bồi thường mảng cơ giới sẽ giúp kéo giảm tỷ lệ bồi thường chung của toàn khối phi nhân thọ.
Được biết, tỷ lệ bồi thường xe cơ giới hiện chiếm khoảng 40%/tỷ lệ bồi thường chung của khối phi nhân thọ (số liệu tính đến quý III/2019).
Tác giả Gia Linh