Thị trường bảo hiểm năm 2018 được đánh giá là duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng hơn 21%, đạt trên 384.000 tỷ đồng.
Thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2018, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 384.176 tỷ đồng, tăng 21,05% so với cùng kỳ năm 2017.
Đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng lên đến 319.610 tỷ đồng, tăng 29,53% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 241.225 tỷ đồng, tăng 27,7%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 76.531 tỷ đồng, tăng 17,24% so với cùng kỳ năm 2017.
Đáng chú ý, tổng doanh thu từ phí bảo hiểm năm 2018 ước đạt 133.654 tỷ đồng, tăng 23,97% so với cùng kỳ năm 2017.
Cũng trong năm 2018, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 36.415 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.765 tỷ đồng, các doanh nghiệp nhân thọ ước đạt 18.650 tỷ đồng.
Báo cáo của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng cho biết, đối với hoạt động môi giới, tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới năm 2018 ước đạt 9.654 tỷ đồng tăng 11,4% so với năm 2017.
"Thị trường bảo hiểm năm 2018 được duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định", bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhận định tại Hội nghị tổng kết năm 2018 của đơn vị này vừa được tổ chức.
Về kế hoạch năm 2019, bà Phương cho biết, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục duy trì tính ổn định của thị trường bảo hiểm, thực hiện công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh công tác phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm, nâng cao chất lượng công tác giám sát từ xa, thanh tra, kiểm tra tại chỗ và giải quyết khiếu nại tố cáo...
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải chỉ đạo các hoạt động của chương trình công tác năm 2019 cần có sự đổi mới trong công tác quản lý thị trường, đặc biệt đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Đồng thời, trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Thứ trưởng đề nghị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm phối hợp chặt chẽ với một số đơn vị chức năng thuộc Bộ nghiên cứu, sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, các văn bản pháp quy khác có liên quan.
"Hiện nay, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ về định hướng tái cơ cấu thị trường bảo hiểm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, do đó nhiệm vụ đặt ra đối với Cục là triển khai cụ thể hóa trong chương trình công tác của năm 2019", ông Hải nói.
Trong việc quản lý thị trường, các khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, Thứ trưởng cho rằng, mỗi khối thị trường bảo hiểm đều có yêu cầu quản lý khác nhau, do đó, cần phải phân tích kỹ hơn về các nhóm thị trường đặc biệt này. Qua đó, sẽ triển khai biện pháp khắc phục được những hạn chế, phòng ngừa những vi phạm gây tác động không tốt đến thị trường.