Năm 2013, hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều nhận định khó khăn còn tiếp diễn nhưng vẫn có cơ hôi phát triển.
Đà tăng trưởng chững lại cũng là dễ hiểu bởi tăng trưởng toàn thị trường đã mất đi một nửa so với năm 2011. Tăng trưởng phí bảo hiểm gốc của toàn thị trường chỉ đạt 10,7% (khoảng 22.770 tỷ đồng) trong năm 2012, so với mức tăng trưởng hơn 20% của năm 2011 và trên 20% của năm 2010. Theo thống kê của cơ quan quản lý về bảo hiểm, doanh thu trong 2 tháng đầu năm 2013 đạt gần 4000 tỷ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Thế nhưng, bất chấp sự chững lại của các hãng bảo hiểm tại thị trưởng bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, kỳ vọng của các hãng nước ngoài vào thị trường tăng trưởng cao này dường như vẫn rất lớn. Báo cáo mới đây nhất của Ernst & Young đánh giá về khu vực châu Á – Thái Bình Dương là sẽ vẫn “đem đến tiềm năng rất lớn cho các nhà bảo hiểm như trong quá khứ”, nhờ vào các yếu tố: dân số tăng nhanh, nền tảng khách hàng phát triển nhanh chóng và hệ thống pháp lý hỗ trợ cho sự phát triển của một ngành công nghiệp vững mạnh về mặt tài chính. Trong đó, Việt Nam được báo cáo đánh giá là điểm đến mơ ước, bởi dân số đông và trẻ, tỷ lệ sở hữu bảo hiểm của người dân còn rất thấp, trong khi nhận thức của người dân về bảo hiểm ngày càng được nâng cao và thị trường bảo hiểm Việt Nam luôn “mở cửa” chào đón các nhà đầu tư đủ điều kiện, đủ kiên nhẫn…cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính và khu vực dịch vụ.
Tuy nhiên, thực trạng bảo hiểm tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Tình trạng trục lợi bảo hiểm ngày càng phổ biến, nhiều khách hàng gặp khó khăn trong việc đóng phí bảo hiểm, tình trạng nợ xấu về phí bảo hiểm, đặc biệt nợ phí bảo hiểm tàu biển bắt đầu đến hạn làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm. Theo số liệu thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm phát hiện được trong giai đoạn 2007 - 2011 lên tới 44.704 vụ, với tổng số tiền trục lợi là 411,7 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ là 3.973 vụ, với tổng số tiền trục lợi là 149,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình hình cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tiếp tục, gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và chi phí khai thác bảo hiểm. Tỷ lệ tăng trưởng bảo hiểm gốc có xu hướng giảm sút…
Mặt khác, pháp luật kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam chưa thật sự rõ ràng và hiệu quả. Ít có ngành nghề kinh doanh nào mà quan hệ pháp luật lại phức tạp, chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như các công ước quốc tế như bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm khi thì được xem là giao dịch dân sự, lúc lại là hợp đồng kinh tế… với hàng loạt các qui định. Trong hệ thống pháp luật, không chỉ có luật chuyên ngành là luật kinh doanh bảo hiểm mà Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không, Luật Dầu khí, Luật Phòng cháy chữa cháy… cũng đều có quy định về bảo hiểm. Ngoài ra, còn vài chục công ước quốc tế về hàng hải cũng được vận dụng. Chính vì vậy, việc “ông nói gà, bà nói vịt”, mỗi bên dẫn ra một căn cứ pháp luật khác nhau khá phổ biến trong các vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Việc thế quyền của người bảo hiểm chưa được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự. Những kẽ hở này trong pháp luật đã gây ra nhiều rủi ro cho các nhà bảo hiểm.
Trong thời gian qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã chứng kiến những cuộc “rút quân” của nhiều tập đoàn tài chính-bảo hiểm lớn. Mặc dù được đánh giá là thị trường tiềm năng “màu mỡ” để phát triển nhưng đòi hỏi phải có sự đầu tư lâu dài.
Nhìn vào hướng phát triển trong năm 2013 cũng như dài hạn, cơ hội phát triển ở lĩnh vực bảo hiểm cá nhân, quản lý tài sản và sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu lập kế hoạch tài chính rất cao. Do tầng lớp trung lưu đang có xu hướng giàu có hơn. Việc nhượng tái bảo hiểm sẽ phổ biến hơn trước rất nhiều và bảo hiểm rủi ro thảm họa cũng là cơ hội phát triển của không ít doanh nghiệp.
Năm 2013 sẽ vừa là cơ hội, vừa thách thức mỗi doanh nghiệp, chỉ những công ty bảo hiểm nhạy bén và thích nghi với những biến động của môi trường pháp lý và kinh doanh mới có thể tận dụng thành công các cơ hội trên thị trường. Việc quyết định thâm nhập hay thoái vốn ở thị trường nào, sử dụng kênh phân phối nào được các công ty bảo hiểm cân nhắc và thận trọng lựa chọn. Trong bối cảnh phức tạp của các quy định, các công ty bảo hiểm trong năm nay cần phải quan tâm tới những thay đổi mang tính sâu rộng trong hoạt động và cơ cấu. Nhiều công ty đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn như cơ cấu lại hệ thống sản phẩm dựa trên sự phân bổ nguồn vốn, xác định các sản phẩm nào cần từ bỏ và chiến lược tái bảo hiểm nào là tối ưu, cân nhắc đến những thảm họa thiên nhiên…
Trong bối cảnh này, E&Y cho rằng, các công ty bảo hiểm cần đầu tư vào công nghệ để cải thiện hoạt động và quản lý rủi ro. Đây là yêu cầu cần thiết, nhất là đối với một số DN bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, khi mà thiếu hệ thống công nghệ để quản lý tốt thông tin. Nhiều DN không nắm rõ khách hàng dẫn đến tình trạng khi đại lý chuyển đi, khách hàng cũng ra đi theo. Ngoài ra, thống kê về khách hàng và bồi thường chưa đầy đủ để phục vụ trở lại đối với việc thiết kế và điều chỉnh sản phẩm. Hơn nữa, môi trường pháp lý thay đổi và đem đến nhiều rủi ro sẽ thúc đẩy các công ty phải nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin.
Đặc biệt, các công ty cần có sản phẩm và dịch vụ để tận dụng sự phổ biến của công nghệ di động. Đó là kênh phân phối mới bổ sung cho kênh đại lý truyền thống như phân phối qua mạng bên cạnh bancassurance đang tăng trưởng. Khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của Ernst & Young cho thấy, người tiêu dùng sẽ nghiên cứu sản phẩm và vận chuyển qua mạng trước khi quyết định mua sắm.