Chữ Tâm trong kinh doanh bảo hiểm

23-07-2013

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, khi luận bàn về nhân cách, đạo lý người ta hay nói đến chữ tâm.Phật giáo, Nho giáo hay Thiên chúa giáo, Hồi giáo…dù giáo lý khác nhau nhưng đều hướng con người tới cái tâm thiện.

Xã hội muốn phát triển lành mạnh, mọi thành viên trong xã hội phải sống theo các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Ở mỗi một lĩnh vực, ngành nghề, dù là sản xuất hay kinh doanh, muốn phát triển, người lao động trong lĩnh vực ấy, bên cạnh năng lực chuyên môn thì điều quan trọng là phải có cái tâm.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm không phải là ngoại lệ.

Bản chất sâu xa của bảo hiểm là chia sẽ rủi ro, cội nguồn là hỗ trợ những người không may mắn, xuất phát từ cái thiện tâm của cộng đồng cùng hội cùng thuyền, chính vì lẽ ấy bảo hiểm ban đầu rất gần với hoạt động của các hội tương thân tương ái.

Xã hội phát triển, kéo theo sự phát triển về bảo hiểm không chỉ về quy mô mà còn cả về công nghệ. Vậy nhưng, dù có phát triển tới mức bán bảo hiểm qua mạng (thương mại điện tử) thì con người vẫn giữ vai trò quyết định và sự phát triển hay không của hoạt động này vẫn gắn với chữ tâm của người lao động.

Trong bối cảnh cạnh tranh, có được dịch vụ đã khó, giữ được khách hàng, biến họ trở thành khách hàng truyền thống còn khó hơn, đòi hỏi sự đồng lòng ở nhiều khâu, công đoạn chứ không phải chỉ đơn thuần ở khâu sau bán hàng - bồi thường hay trả tiền bảo hiểm.

Người khai thác giỏi có tâm là người biết giải thích cho khách hàng cặn kẽ các điều kiện bảo hiểm để khách hàng lựa chọn điều khoản thích hợp nhất, dù có thể phải đóng phí cao nhưng quyền lợi được bảo vệ, chứ không phải là người chỉ biết bán lấy được để có doanh thu, để hậu quả là khi xảy ra sự kiện bảo hiểm người mua mới biết rủi ro không thuộc trách nhiệm bảo hiểm hay chậm được bồi thường do phải lo nhiều việc mà đáng lý chỉ cần một vài thao tác nếu được hướng dẫn hay thông tin từ trước.

Người không có tâm thì chỉ biết làm chiếu lệ, ăn xổi nghĩa là không nghĩ tới chuyện nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, có lợi cho cả mình, khách hàng và công ty bảo hiểm. Người không có tâm là người câu kết với khách hàng xấu, bán bảo hiểm cả khi tổn thất, tai nạn đã xảy ra để trục lợi bảo hiểm, hậu quả khôn lường, đã có trường hợp rơi vào vòng lao lý.

Uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm, thương hiệu cá nhân của người làm bảo hiểm được ví như vết dầu loang, phục vụ một người tốt không chỉ biến anh ta thành khách hàng truyền thống mà còn biến anh ta thành nhà môi giới miễn phí, giới thiệu những khách hàng khác là người thân hay bạn bè cho Công ty bảo hiểm mà anh ta tín nhiệm

Người có tâm làm giám định tổn thất cũng tạo nên sự khác biệt. Thái độ cảm thông với người được bảo hiểm, sự tận tâm, mẫn cán trong công việc ngay khi nhân được thông tin tai nạn tạo nên hình ảnh đẹp cho doanh nghiệp bảo hiểm mà anh ta làm đại diện đối với khách hàng.

Người thiếu cái tâm là kẻ quan liêu, kẻ cả, hách dịch khi cho rằng khách hàng phải nhờ cậy mình và coi đó là cơ hội để nhũng nhiễu, vòi vĩnh, là cơ hội để ít sít ra nhiều, biến không thành có để trục lợi. Có kẻ còn đang tâm tạo dựng cả hồ sơ giả, cùng gara  chiếm đoạt tiền bảo hiểm, lấy cả tiền “boa” của những người nhận tiền bảo hiểm tai nạn con người. Chính những hành vi này khuyến khích hay tạo điều kiện cho những khách hàng xấu tiếp tục trục lợi bảo hiểm.

Việc xét giải quyết hồ sơ bồi thường cũng đòi hỏi thiện tâm. Người có “nghề”, có tâm thì kiên quyết với những hồ sơ có dấu hiệu trục lợi, chặt chẽ trong khâu kiểm soát chứng từ theo quy định nhưng không theo kiểu bới lông tìm vết, khác với người không giải quyết bằng cái tâm, cố tình gây khó dễ, thông đồng với giám định viên kiểu gì cũng bồi thường để được hưởng chia phần.

Muôn hình vạn trạng là hoạt động bảo hiểm mà chỉ một vài dòng không thể mô tả hết; cái tâm trong nghề nghiệp cũng vì thế chỉ có thể kết bằng câu thơ của cụ Nguyến Du “thiện căn kia bởi lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Nguyễn Anh Đức - CEO