(ĐTCK) Dịch Covid-19 dường như là lý do khiến số liệu thị phần năm 2019 giờ mới được công bố, nhưng chậm vẫn gây ngạc nhiên.
Từ sự đổi ngôi ở Top 3…
Thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, thị phần của Top 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu tiếp tục giảm từ 63% năm 2015 xuống khoảng 58% trong năm 2019.
Thị phần Top 5 về doanh thu phí bảo hiểm gốc của khối phi nhân thọ 2019.
Báo cáo chính thức của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - IAV (Bộ Tài chính) cũng cho biết, năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.387 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ 2018.
Trong đó, dẫn đầu về doanh thu phí gốc là Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu ước đạt 10.650 tỷ đồng, tăng 11,1% và chiếm 20,3% thị phần.
Bốn vị trí tiếp theo là Bảo hiểm PVI với doanh thu 7.217 tỷ đồng, tăng 5% và chiếm 14% thị phần; Bảo hiểm Bưu điện (PTI) với doanh thu 5.400 tỷ đồng, tăng 30% và chiếm 0,3% thị phần; Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) với doanh thu 3.721 tỷ đồng, tăng 4,9% và chiếm 7,1% thị phần; Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) với doanh thu 2.982 tỷ đồng, tăng 6,2% và chiếm 5,7% thị phần...
Doanh thu phí bảo hiểm gốc của khối phi nhân thọ năm 2019.
Trong Top 5, Bảo Việt và PVI liên tục giữ được 2 vị dẫn đầu trong suốt những năm qua, trong khi 3 vị trí còn lại thường xuyên thay đổi. Cụ thể, PTI không chỉ vượt qua Bảo Minh để giữ vị trí thứ 3 từ năm 2018 đến nay, mà còn đang âm thầm áp sát 2 vị trí dẫn đầu.
Thực tế, PTI lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ đạt 9% thị phần, nhưng đến cuối năm 2018 đã đạt được cột mốc này và vững vàng ở vị trí thứ 3 về thị phần trong khối bảo hiểm phi nhân thọ. Từ nay đến năm 2025, PTI đặt mục tiêu vươn lên đứng ở vị trí thứ 2 trong khối này.
Với Bảo Minh, hiện không chỉ rất khó khăn để trở lại vị trí cũ, mà áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp đứng sau là PJICO cũng ngày càng mạnh hơn.
Trả lời chất vấn của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông mới đây về giải pháp lấy lại thị phần đã mất, đại diện HĐQT Bảo Minh cho biết, Công ty vẫn định hướng nằm trong Top 5 doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm.
Theo vị này, Bảo Minh sẽ nỗ lực để gia tăng thị phần, nhưng sẽ không tăng trưởng doanh thu bằng mọi giá, vì mục tiêu của Bảo Minh là phát triển bền vững. Đổi lại, Bảo Minh có tình hình tài chính ổn định, chia cổ tức đều đặn hàng năm từ mức khá trở lên cho cổ đông.
“Việc thị phần giảm sút là không mong muốn. Công ty luôn chú trọng tới chất lượng hoạt động và thời gian sẽ trả lời cho định hướng dài hạn vững chắc này”, đại diện Bảo Minh nhấn mạnh.
Về phía PJICO, hãng bảo hiểm này đặt ra nhiều tham vọng, bao gồm cả sự cải thiện mạnh mẽ về thị phần trong thời gian tới.
Một trong những chiến lược quan trọng cho năm 2020 là sẽ mở rộng quy mô, tăng thị phần đối với các địa bàn còn nhiều tiềm năng.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của PJICO đã nhất trí thông qua tờ trình của HĐQT Công ty về việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật nhằm tăng tính thanh khoản và sức hấp dẫn cho cổ phiếu doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
… Đến tham vọng của doanh nghiệp nhóm dưới
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, trong bối cảnh cạnh tranh ngày một khốc liệt như hiện nay, việc các doanh nghiệp trong Top 5 giảm thị phần sau 5 năm hoạt động là điều bình thường và mức giảm từ 63% xuống 58% là không lớn.
Thực tế, trong những năm qua, các doanh nghiệp nhóm dưới như MIC, VBI, ABIC, VBI, BSH, Samsung Vina, VNI hay VASS… đã tăng trưởng rất nhanh nhờ chiến lược phát triển linh hoạt, giúp cải thiện đáng kể thị phần.
Hiện tại, các doanh nghiệp này đều có tham vọng sẽ “lật đổ” sự thống trị của những doanh nghiệp Top trên trong thời gian tới.
Chẳng hạn, với Bảo hiểm BIDV (BIC), năm 2019 là năm đầu tiên nhà bảo hiểm này cán mốc 2.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc riêng Công ty mẹ, tăng 13% so với năm 2018 và cao hơn mức tăng trưởng chung của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Cũng trong năm này, BIC được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới A.M Best nâng xếp hạng năng lực tài chính lên B++ (Tốt) - mức cao nhất tại Việt Nam đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Khung quản trị rủi ro của BIC cũng được xây dựng phù hợp với quy mô và thực tế hoạt động, đồng thời liên tục được củng cố với sự hỗ trợ của Ngân hàng mẹ BIDV và các đối tác chiến lược như FairFax…
“Chúng tôi đặt tham vọng sẽ sớm gia nhập Top 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu thị trường về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc, giữ vững vị trí Top 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ đứng đầu về tỷ suất sinh lời, cũng như trở thành công ty bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu thị trường về doanh thu qua kênh bancassurance. Theo đó, năm 2020 là năm có tính chất bản lề cho sự phát triển của BIC trong giai đoạn 5-10 năm tới”, đại diện BIC thông tin.
Tại Bảo hiểm Quân đội (MIC), kết thúc năm 2019, nhà bảo hiểm này tiếp tục giữ vững vị trí thứ 6 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc và rút ngắn khoảng cách so với Top 5.
MIC đã chính thức tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỷ đồng và nằm trong Top 10 doanh nghiệp UPCoM quy mô lớn minh bạch tài chính tốt.
Năm qua, MIC đạt tổng doanh thu 2.745 tỷ đồng, hoàn thành 110,3 % kế hoạch năm, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 11,49% - đứng Top đầu thị trường.
Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2.507 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018 và gấp 2,4 lần mức tăng trưởng chung của thị trường phi nhân thọ.
Lợi nhuận trước thuế đạt 177 tỷ đồng, tăng trưởng 30,7%, trong đó lợi nhuận từ đầu tư đạt 154,5 tỷ đồng, tăng trưởng 31%.
Tại Đại hội đồng cổ đông 2020, MIC đặt quyết tâm vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch Covid - 19, đưa thị phần Công ty vào Top 5, phấn đấu đạt doanh thu bảo hiểm gốc tăng trưởng trên 15% so với năm 2019, cam kết trả cổ tức từ 8-10%. Đồng thời, MIC sẽ hoàn tất thủ tục để chuyển cổ phiếu MIG sang niêm yết sàn HOSE, từ đó lựa chọn các cổ đông chiến lược trong giai đoạn tiếp theo.
Nhiều cơ hội phía trước
Nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển ngành bảo hiểm lớn mạnh hơn trong năm 2020, đại diện IAV cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tập trung hoàn thiện đề án sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm với mục tiêu minh bạch, an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các chuẩn mức quốc tế; đáp ứng nhu cầu bảo hiểm cơ bản của mọi lĩnh vực kinh tế và tầng lớp dân cư; góp phần ổn định nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, trong năm 2020, IAV sẽ tập trung cho việc chuẩn bị hồ sơ xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để trình Bộ Tài chính, Chính phủ thông qua và ban hành Nghị định quy định việc triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội theo kế hoạch; triển khai xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Đối với công tác phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm, IAV tiếp tục xem xét trình Bộ Tài chính cấp giấy phép cho các chủ đầu tư đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm và văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Đồng thời, bên cạnh việc phối hợp với các đơn vị liên quan để nghiên cứu và triển khai các sản phẩm bảo hiểm, trong năm 2020, IAV tiếp tục theo dõi, thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp theo đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm.
Tác giả Gia Linh Thứ Sáu, 12/6/2020 15:00