(ĐTCK) Bộ Tài chính đang đề xuất giảm mức kinh phí đóng góp cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy của doanh nghiệp bảo hiểm từ 5% hiện hành xuống còn 1% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Nếu quy định này được đi vào áp dụng, phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc liệu có giảm xuống và nghiệp vụ bảo hiểm này có triển vọng tăng mạnh?
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, biểu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được quy định cụ thể trong Thông tư 120/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính và các doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải bán theo biểu phí này.
Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm không thể tự điều chỉnh tỷ lệ phí đối với sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Nếu sau này, biểu phí quy định của Bộ Tài chính giảm thì mức phí các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra đối với các sản phẩm này sẽ giảm.
“Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường cũng có sự khác nhau giữa phí của sản phẩm bảo hiểm này giữa các doanh nghiệp, nhưng đây chỉ là việc làm “chui” (tương tự như giảm phí bảo hiểm bắt buộc tai nạn dân sự xe máy). Về nguyên tắc, các doanh nghiệp bảo hiểm phải bán theo biểu phí quy định của Bộ Tài chính”, đại diện doanh nghiệp bảo hiểm trên cho biết.
Ngay cả khi phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc có giảm xuống thì theo một chuyên gia trong ngành, sẽ ít có tác động đến hành vi mua sản phẩm bảo hiểm này từ khu vực khách hàng và dân cư.
Vị chuyên gia này giải thích, với đối tượng khách hàng doanh nghiệp, việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là đương nhiên, vì họ thường xuyên phải tiếp đón các đoàn kiểm tra về phòng cháy chữa cháy. Do đó, những điều chỉnh về phí đối với nhóm khách hàng này thực sự không ảnh hưởng đến hành vi mua sắm. Có chăng là các doanh nghiệp bảo hiểm cần cạnh tranh về chất lượng dịch vụ để tìm kiếm khách hàng.
Trong khi đó, đối với các hộ gia đình, việc giảm phí cũng chưa chắc tác động đến nhu cầu mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Bởi khác với các doanh nghiệp, việc kiểm tra tới từng hộ dân là rất khó, nên rất nhiều hộ gia đình cũng quyết định không mua.
Đối với những hộ gia đình thực sự có nhu cầu bảo vệ cho ngôi nhà thì trên thị trường có rất nhiều sản phẩm bảo hiểm nhà tự nguyện với mức phí và quyền lợi hấp dẫn hơn rất nhiều so với sản phẩm bắt buộc theo quy định của Bộ Tài chính.
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc khai thác bảo hiểm cháy nổ bắt buộc vẫn là ý thức của người dân. Bởi nhiều hộ gia đình vẫn chưa nhận thức được những hậu quả khôn lường mà cháy nổ mang lại. Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, mặc dù đã nỗ lực nhưng cũng cần phải có các kênh phân phối thuận tiện hơn cho khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng nhìn nhận, việc có một số thay đổi về mặt chính sách liên quan đến bảo hiểm cháy nổ bắt buộc sẽ không tác động quá nhiều đến doanh thu hay tăng trưởng của phân khúc này, quan trọng vẫn là ý thức của người dân và doanh nghiệp với công tác phòng cháy chữa cháy.
Được biết, năm 2016, đã có trên 37.000 cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đã mua sản phẩm này, chiếm tỷ lệ 57% số cơ sở phải mua bảo hiểm cháy nổ trên toàn quốc.
Nhằm phối hợp trong việc tuyên truyền, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao nhận thức về chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm, trước đó, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính và Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã tổ chức ký kết thỏa thuận về kế hoạch phối hợp thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc năm 2017.
Theo đó, trong năm 2017, hai đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp trong việc tuyên truyền, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao nhận thức về chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm, lực lượng phòng cháy chữa cháy và các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ.
Đồng thời, hai đơn vị sẽ phối hợp trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm như quy định điều kiện tham gia bảo hiểm, việc thu thập hồ sơ điều tra cháy nổ từ cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ..., giúp doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, đầy đủ.
Gia Linh