Khi cấp Đơn bảo hiểm, cán bộ.đại lý khai thác bảo hiểm phải xem danh sách nhân khẩu trong Sổ Hộ khẩu, Giấy đăng ký tạm trú do Chính quyền địa phương sở tại cấp, ghi lần lượt tên của những người trong Sổ Hộ khẩu lên Giấy chứng nhận bảo hiểm, copy sổ Hộ khẩu và Giấy đăng ký tạm trú để đưa vào Hồ sơ khai thác. Trường hợp tại địa phương không có hay xa nơi có máy copy, cán bộ/đại lý khai thác có thể dùng máy ảnh hay điện thoại di động để chụp sổ Hộ khẩu và Giấy đăng ký tạm trú để về đơn vị in lại. Bản chụp Sổ hộ khẩu và Giấy đăng ký tạm trú là Bộ phận không thể thiếu, không thể tách rời của Hồ sơ khai thác bảo hiểm tai nạn Hộ sử dụng điện.
Khái niệm “Hộ” trong quy tắc này được hiểu là hộ gia đình có hộ khẩu thường trú, là nơi sinh sống và cư trú. Khái niệm Hộ có thể hiểu mở rộng cho trường hợp một gia đình thuê căn hộ chung cư, thuê một phòng trong một căn nhà để sinh sống; những người trong gia đình này chỉ có Giấy đăng ký tạm trú.
Các cơ sở sản xuất, kể cả cơ sở tư nhân/ Hộ gia đình không thuộc diện điều chỉnh của bảo hiểm tai nạn Hộ sử dụng điện
Ví dụ: Gia đình ông H. có Xưởng làm bánh tráng do ông H làm chủ Xưởng, có thuê 5 nhân công đều là người trong họ tới làm việc. Mặc dù những người này đều ăn ở tại xưởng có Giấy phép tạm trú của Chính quyền địa phương nhưng không được bảo hiểm vì Xưởng này là nơi làm việc chứ không phải là nơi sinh sống, cư trú.
Tuy nhiên, có thể mở rộng cho các cơ sở có kiot/cửa hàng kinh doanh thương mại; có thể sử dụng Giấy phép hay Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay cho Hợp đồng thuê nhà.
Thành viên của một Hộ gia đình bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn 60% trở lên không được bảo hiểm tai nạn theo quy tắc này
Theo Quy tắc này thì Người được bảo hiểm được trả tiền bảo hiểm trong trường hợp bị chết, bị thương do tai nạn điện giật khi sử dụng điện hay cứu người bị điện giật tại nơi cư trú tức trong phạm vi ngôi nhà ở.
Để tăng quyền lợi cho Người tham gia bảo hiểm, tăng sức hấp dẫn của sản phẩm, trường hợp Người được bảo hiểm khi tham gia bảo hiểm có mua bảo hiểm bổ sung (tăng 20% số phí) thì những thành viên trong gia đình có độ tuổi từ 16 trở lên đến 60 tuổi, trừ những người làm việc trong ngành điện, cơ sở sản xuất điện, sẽ được trả ½ số tiền bảo hiểm khi không may bị chết, thương tật toàn bộ vĩnh viễn 80% trở lên do tai nạn sử dụng điện, tai nạn giao thông khi đang làm việc, nghỉ ngơi tại bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt nam nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng/người vụ (nếu số tiền bảo hiểm thấp hơn 20 triệu đồng thì số tiền bảo hiểm trả trong trường hợp này là ½ số tiền bảo hiểm, nếu số tiền bảo hiểm lớn hơn 20 triệu thì số tiền bảo hiểm trả tối đa cho trường hợp này là 10 triệu đồng/người /vụ.
Khi Ký kết Hợp đồng bảo hiểm, nếu Người tham gia bảo hiểm đồng ý mua bảo hiểm bổ sung thì điều khoản này phải được ghi rõ trên Hợp đồng bảo hiểm.
Cũng như các loại hình bảo hiểm sức khỏe con người khác, hành vi cố ý vi phạm chế độ an toàn khi sử dụng điện do cơ quan quản lý điện quy định bao gồm cả việc câu móc, nối trộm điện. Tuy nhiên, việc Người được bảo hiểm sử dụng các thiết bị điện trong nhà, tự sửa, lắp, nối điện nhưng do không hiểu được cách thức mà bị điện giật chết, bị thương vẫn được trả tiền bảo hiểm.
Tai nạn xảy ra do hậu quả gián tiếp của việc sử dụng điện (cháy, nổ do điện); ví dụ: nhà cháy do chập điện nhưng cửa khóa hay do ngủ say, người được bảo hiểm chết cháy, chết ngạt thì không được trả tiền bảo hiểm. Những trường hợp nhạy cảm như ví dụ này phải có kết luận của pháp y là chết do cháy, ngạt mới từ chối trả tiền bảo hiểm.
Trong mọi trường hợp. VNI không giải quyết trả tiền bảo hiểm khi Người được bảo hiểm bị chết hoặc bị thương tật thân thể không phải do điện gây nên; hay vào thời điểm xảy ra tai nạn, Người được bảo hiểm chưa đóng phí bảo hiểm (trừ trường hợp được chấp nhận bằng văn bản của VNI)
Trong bảo hiểm tai nạn Hộ sử dụng điện, trách nhiệm bảo hiểm chỉ phát sinh khi Hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết hay Giấy chứng nhận đã được cấp và Người được bảo hiểm đã nộp phí bảo hiểm.
Thái Văn Cách